Lịch sử Tuva

Bài chi tiết: Lịch sử Tuva
Bản đồ Cộng hòa Tuva, trước đây là Cộng hòa Nhân dân TuvaTem Tuva năm 1927

Người Mông Cổ đã kiểm soát Tannu Uriankhai, bao gồm cả Tuva từ năm 1207 đến 1757, và sau đó vùng chịu sự quản lý của nhà Thanh tại Trung Quốc và được xếp là một phần của Ngoại Mông cho đến khi triều đại này sụp đổ vào năm 1911. Trong khi diễn ra Khởi nghĩa Vũ Xương năm 1911 tại Trung Quốc, Sa hoàng Nga đã cho hình thành một phong trào ly khai trong cộng đồng người Tuva. Tuva sau đó được độc lập trên danh nghĩa với tên gọi Cộng hòa Urjanchai trước khi nằm dưới quyền bảo hộ của nước Nga với tên gọi Kray Uryankhay dưới quyền cai trị của Sa hoàng Nicolai II vào ngày 17 tháng 4 năm 1914. Một thủ phủ của vùng Tuva được lập ra và được mang tên Belotsarsk (Белоца́рск; nghĩa là, "Đô thị của Sa hoàng Trắng"). Trong lúc đó, năm 1911, Mông Cổ trở thành một nước độc lập dưới sự bảo hộ của Nga.

Sau Cách mạng Nga năm 1917 kết thúc chế độ phong kiến chuyên quyền, hầu hết lãnh thổ Tuva bị Bạch vệ Nga chiếm đóng từ 5 tháng 7 năm 1918 đến 15 tháng 7 năm 1919 do Aleksandr Kolchak cầm đầu. Pyotr Ivanovich Turchaninov trở thành kẻ thống trị của khu vực này. Đến mùa thu năm 1918, phần phía tây nam của Tuva bị quân Trung Quốc chiếm đóng còn phần phía nam thì do quân Mông Cổ do Khatanbaatar Magsarjav lãnh đạo chiếm đóng. Từ ngày tháng 7 năm 1919 đến tháng 2 năm 1920, Hồng quân đã kiểm soát Tuva, nhưng quyền kiểm soát lại thuộc về Trung Quốc từ 19 tháng 2 năm 1920 đến tháng 6 năm 1921.

Đến ngày 14 tháng 8 năm 1921, những người Bolshevik được Nga giúp đỡ đã thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Tuva, người dân địa phương gọi là Tannu-Tuva. Năm 1926, thủ đô (Belotsarsk; Khem-Beldyr từ năm 1918) được đổi tên thành Kyzyl, có nghĩa là "Đỏ"). Tuva trở thành một quốc gia độc lập trên lý thuyết giữa hai cuộc chiến tranh thế giới. Các lãnh đạo Cộng sản mới bắt đầu tập thể hóa đất đai, vốn vẫn đặc trưng với nền chăn nuôi du mục trước đó. Đồng thời phát động một chiến dịch nhằm dẹp bỏ Phật giáo và Shaman giáo trong nước.

Liên Xô đã sáp nhập hoàn toàn Tuva vào lãnh thổ của mình từ năm 1944, với sự tán thành của Tiểu Khural (quốc hội) Tuva. Salchak Toka, lãnh đạo cộng sản Tuva, nhậm chức Bí thư thứ nhất của Đảng Cộng sản Tuva, và trở thành lãnh đạo trên thực tế của Tuva cho đến khi ông qua đời vào năm 1973. Tuva ban đầu có vị thế Tỉnh tự trị Tuva và sau đó trở thành Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Tự trị Tuva vào ngày 10 tháng 10 năm 1961. Liên Xô trong giai đoạn này đã đóng cửa Tuva với phần còn lại của thế giới.

Vào tháng 2 năm 1990, Phong trào Dân chủ Tuva được Kaadyr-ool Bicheldei thành lập, ông là một nhà ngữ văn tại Đại học Kyzyl. Mục đích của đảng là để cung ứng việc làm và nhà ở (cả hai đều ở mức thấp), và cũng để nâng cao vị thế của ngôn ngữ và văn hóa Tuva. Sau đó, cùng năm đã diễn ra một làn sóng tấn công chống lại một cộng đồng người Nga vốn có quy mô khá lớn tại Tuva, và kết quả là 88 đã thiệt mạng. Binh lính Nga cuối cùng đã phải được điều động đến. Nhiều người Nga đã rời khỏi nước cộng hòa trong thời kỳ này. Đến ngày nay, Tuva vẫn khá biệt lập và khá khó khăn để có thể tiếp cận.[13]

Một hiệp ước đã được ký kết vào ngày 31 tháng 3 năm 1992, theo đó thành lập Liên bang Nga. Một Hiến pháp mới cho nước cộng hòa được đưa ra vào ngày 22 tháng 10 năm 1993. Hiến pháp quy định thành lập một nghị viện gồm 32 thành viên (Khural Tối cao) và một Khural Vĩ đại, chịu trách nhiệm về chính sách đối ngoại và có thể thay đổi Hiến pháp, và bảo đảm rằng luật pháp Tuva sẽ được ưu tiên. Hiến pháp cũng cho phép một cuộc trưng cầu dân ý có thể diễn ra nếu Tuva muốn độc lập. Hiến pháp này được thông qua với 53,9% (hay 62,2%, theo nguồn) người dân Tuva tán thành trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 12 tháng 12 năm 1993.[14]